Việc để thực phẩm có độ ẩm cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng tủ đông đóng tuyết, làm giảm hiệu quả đông lạnh thực phẩm cũng như tiêu tốn điện năng.
Hầu hết mọi người khi sử dụng tủ đông sẽ gặp phải tình trạng tủ đông bị đóng tuyết. Lớp tuyết dày làm cản trở quá trình khí lạnh lưu thông, dẫn tới tủ đông không lạnh hoặc hao tốn nhiều điện năng. Mặc dù đây là một trong những hiện tượng khá phổ biến khi dùng tủ đông lâu ngày, và có thể được khắc phục bằng cách làm tủ đông xả tuyết rồi vệ sinh. Tuy nhiên, trong trường hợp tủ đông đóng tuyết quá nhanh, bạn cần tìm hiểu và xem lại cách sử dụng cũng như kiểm tra tình trạng hoạt động của một số bộ phận trong tủ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn xác định một số nguyên nhân cơ bản và cách xử lý tình trạng này.
Tủ đông bị đóng tuyết dày
1. Để thực phẩm có độ ẩm cao vào trong tủ đông
Đây là nguyên nhân đầu tiên gây nên tình trạng đóng tuyết của tủ nhưng lại là thói quen khá phổ biến và rất dễ mắc phải trong quá trình sử dụng tủ đông. Khi để thực phẩm có độ ẩm cao hay bọc thực phẩm vẫn còn nước vào tủ sẽ khiến độ ẩm trong tủ tăng lên. Trong quá trình đông lạnh, độ ẩm cao và nước từ thực phẩm sẽ tạo nên lớp tuyết bao quanh thực phẩm và trong lòng tủ. Điều này khiến tủ đông bị đóng tuyết nhanh chóng khiến bạn phải vệ sinh thường xuyên hơn nếu không muốn khả năng làm lạnh của tủ bị giảm cũng như điện năng tiêu thụ nhiều hơn.
Thực phẩm có độ ẩm cao là một trong những nguyên nhân chính khiến tủ đông bị đóng tuyết nhanh chóng
Cách khắc phục đó là bạn cần hạn chế cho nhiều thực phẩm có độ ẩm cao hoặc làm giảm độ ẩm của thực phẩm trước khi cho vào tủ bằng khăn cotton sạch hoặc giấy hút ẩm dành cho thực phẩm. Đồng thời, để giảm thiểu tình trạng tủ đông lạnh đóng tuyết, bạn nên kiểm tra và rút bớt nước khỏi bọc thực phẩm trước khi lưu trữ trong tủ đông.
2. Mở tủ đông liên tục
Hạn chế mở cửa tủ giúp hạn chế đóng tuyết
Cửa tủ đông bị mở quá thường xuyên hay không được đóng kín cũng là nguyên nhân khiến tủ đông không lạnh hay tủ đông bị đóng tuyết. Vì vậy, với những thiết bị có hiệu năng làm lạnh cao như tủ đông, bạn không nên mở tủ quá nhiều lần. Đó cũng là lí do ở các sản phẩm chất lượng, nhà sản xuất đã tích hợp khóa an toàn tại cánh tủ, đồng thời kết hợp gioăng cao su, khiến cánh tủ đóng kín khít, ngăn chặn tối đa hơi lạnh thất thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tình trạng tủ đông đóng tuyết do mở tủ quá thường xuyên, bạn cần tính toán cách sử dụng hợp lý bằng việc kiểm soát số lần mở tủ cũng như nhanh chóng đóng cửa tủ lại sau khi đã lấy đủ thực phẩm cần thiết.Có thể nói tủ đông có hao tốn điện không một phần lớn phụ thuộc vào thói quen sử dụng của bạn.
3. Gioăng hay đệm cao su của cửa tủ bị hỏng
Gioăng cao su bao quanh cửa tủ đông – hay còn được gọi là miếng đệm đóng vai trò “niêm phong” không khí lạnh kín trong tủ, ngăn cản không khí bên ngoài không lọt được vào trong, tránh tình trạng thất thoát hơi lạnh giúp thực phẩm luôn được đóng đông đảm bảo. Khi bộ phận này bị lỗi, hỏng hay hở sẽ khiến độ ẩm không khí lọt vào tủ gây nên tình trạng tủ đông bị đóng tuyết. Một phần gioăng bị hỏng sẽ khiến tủ đông không thể duy trì nhiệt độ an toàn, chưa kể đến việc hóa đơn tiền điện của bạn sẽ tăng vì tủ phải hoạt động nhiều hơn để giữ nhiệt độ đông cần thiết.
Miếng gioăng bị hỏng khiến tủ đông không được đóng kín, dẫn tới tủ bị đóng tuyết nhanh hơn
Gioăng tủ đông lạnh thực chất một dải cao su liền mạch được gắn chặt vào rãnh xung quanh mép cửa. Đôi lúc, phần gioăng này có thể bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu và cần được cố định lại. Sau khi chỉnh lại vị trí gioăng cao su trên cửa tủ đông, bạn có thể kiểm tra bằng cách dùng tay sờ dọc theo cạnh cánh cửa tủ khi đã đóng lại. Nếu cảm thấy có gió lạnh thoát ra, bạn có thể tìm ra vị trí gioăng cao su bị lệch bằng cách này. Tiếp đó, sử dụng tăm bông bôi thêm một ít dầu mỡ vào bên dưới lớp gioăng lỏng để đẩy miếng gioăng cao su trở lại vị trí dễ dàng hơn và dùng tay đặt gioăng cao su lại vị trí ban đầu. Nếu cách làm này không hiệu quả, bạn nên thay gioăng cao su mới cho tủ đông lạnh, tránh xảy ra tình trạng tủ đông đóng tuyết quá thường xuyên.
Thông thường, bạn nên kiểm tra tình trạng gioăng cao su định kì 12 tháng một lần. Một cách kiểm tra đơn giản khác bạn có thể sử dụng đó là đặt một mảnh giấy vào phần giữa cánh tủ và tủ bên dưới, đóng cánh tủ lại và kéo tờ giấy ra. Nếu mảnh giấy trượt ra dễ dàng, đã đến lúc bạn nên thay gioăng mới cho tủ đông gia đình hay tủ đông công nghiệp mình đang sử dụng.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên thay gioăng mới cho tủ đông khi nhìn bằng mắt thường bạn thấy nó bị nứt, bị rách, bị cong hoặc cứng chứ không dẻo. Sau khi đã lắp gioăng mới, hãy thử xem cánh cửa tủ đã đóng được kín hay chưa. Sau khi đóng cánh cửa tủ, hãy rà soát từ trên xuống dưới, nếu bạn không cảm thấy có luồng mát nào phả ra là tủ đã kín. Nếu không, hãy kiểm tra lại. Nếu gioăng cánh cửa của tủ đông lạnh vẫn còn những khoảng trống hoặc cong vênh, hãy làm ấm gioăng bằng chiếc máy sấy. Như vậy, gioăng sẽ vào khuôn. Đặc biệt, với những tủ đông 2 ngăn, bạn cần đặc biệt chú ý, Bởi lẽ, nhiệt độ lạnh của 2 ngăn chênh lệch lớn. Vì vậy, việc gioăng cao su hở không chỉ gây ra tình trạng tủ đông hao tốn điện năng, đóng tuyết mà còn dễ dẫn đến việc rò rỉ khí lạnh từ ngăn đông sang ngăn mát, tác động tiêu cực tới việc bảo quản thực phẩm.
4. Lỗ xả nước bị tắc
Khi lỗ thoát nước trong khay đựng nước của tủ bị tắc do lâu ngày bám bẩn, tủ đông bị bít kín sẽ khiến độ ẩm và nước từ thực phẩm trong tủ không thoát được ra ngoài, gây nên tình trạng tủ đông bị đóng tuyết. Bạn hãy kiểm tra lại vị trí lỗ thoát nước trong tủ, thường xuyên vệ sinh tủ đông và đảm bảo lỗ thoát nước thông thoáng giúp tránh tình trạng tủ bị hư hỏng, đóng tuyết.
Lỗ xả nước bị bít tắc gây đóng tuyết trong tủ đông
Trên đây là một số nguyên nhân và cách khắc phục lỗi tủ đông bị đóng tuyết. Bên cạnh các lỗi sử dụng, các bộ phận trong tủ bị hư hỏng cũng là các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này. Nếu mua tủ đông thanh lý, tủ đông cũ đã qua sử dụng hay tủ đông giá rẻ, bạn sẽ rất dễ gặp phải lỗi này. Vì vậy, bạn nên cân nhắc lựa chọn các sản phẩm tủ đông chất lượng từ các thương hiệu uy tín để được đảm bảo trong quá trình sử dụng cũng như hỗ trợ bảo hành nếu xảy ra sự cố hỏng hóc.